Chuyển đổi xanh (Green Transformation) và chuyển đổi số (Digital Transformation) đang trở thành hai trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia và doanh nghiệp. Khi được triển khai đồng bộ, hai xu hướng này tạo nên một “chuyển đổi kép” – mô hình phát triển trong đó công nghệ số thúc đẩy các giải pháp bền vững, và ngược lại, quá trình xanh hóa đặt ra các yêu cầu mới cho hệ thống số. Sự hội tụ giữa số hóa và xanh hóa được xem là nhân tố định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu.
Sức mạnh tổng hợp của chuyển đổi kép
Chuyển đổi số đóng vai trò như đòn bẩy hiện đại hóa nền kinh tế, thông qua việc ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây...giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất và khả năng thích ứng với thị trường. Trong khi đó, chuyển đổi xanh hướng đến giảm thiểu tác động môi trường, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và thực hiện các cam kết phát triển bền vững như ESG, trung hòa carbon, kinh tế tuần hoàn.
Chuyển đổi kép chính là sự tích hợp hai xu thế lớn này, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đây không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là một chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên mới.
Khung chính sách định hướng từ Chính phủ
Nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi kép, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai hàng loạt chính sách mang tính nền tảng. Cụ thể, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021–2030, tầm hình 2050 và Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành, đặt ra các mục tiêu rõ ràng thể hiện sự song hành giữa số hóa và phát triển bền vững trong hoạch định chính sách.
Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 cũng là một bước đi chiến lược, mở đường cho doanh nghiệp tiếp cận các mô hình sản xuất, đầu tư và tiêu dùng thân thiện với môi trường, đồng thời tận dụng công nghệ số để tối ưu hóa chuỗi giá trị.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai thực thể song sinh, cùng nhau đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và bền vững cho đất nước.”
Doanh nghiệp trước ngưỡng chuyển đổi: Cơ hội và thách thức
Thách thức chính trong quá trình thực hiện chuyển đổi kép bao gồm thách thức về công nghệ và cơ sở hạ tầng; thách thức chính sách pháp lý và thách thức về văn hóa con người.
-
Chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ và các cơ quan quản lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kép. Nếu các chính sách khuyến khích đầu tư và các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xanh còn thiếu hoặc chưa cụ thể hóa, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định hoạt động ở các thị trường khác nhau tận dụng các cơ hội phát triển bền vững.
-
Thách thức công nghệ và cơ sở hạ tầng yêu cầu doanh nghiệp khi chuyển đổi số yêu cầu sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tiên tiến. Ở phía chuyển đổi xanh, việc xây dựng hạ tầng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió hay các hệ thống tái chế tài nguyên cũng đòi hỏi những khoản đầu tư lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các thách thức liên quan đến việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon.
-
Yếu tố văn hóa và con người là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện chuyển đổi kép. Việc thúc đẩy các sáng kiến mới, ứng dụng công nghệ số, và áp dụng các tiêu chuẩn xanh đòi hỏi nhân viên phải có kỹ năng, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với sự thay đổi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng về công nghệ số và quản lý bền vững. Việc đào tạo lại đội ngũ nhân viên để thích ứng với công nghệ mới, quy trình sản xuất mới cũng đòi hỏi thời gian và chi phí.
Tương lai phía trước: Nền kinh tế xanh – số của Việt Nam
Việt Nam đang từng bước định hình một nền kinh tế vừa xanh, vừa số. Nền kinh tế xanh tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ, với sự thúc đẩy bởi cam kết quốc gia về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Nền kinh tế số đồng thời đang định hình lại bối cảnh kinh doanh của Việt Nam với sự tiến bộ công nghệ, cơ sở hạ tầng trong các ngành công nghệ tài chính, thương mại điện tử, công nghệ giáo dục.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược chuyển đổi kép rõ ràng, tập trung đầu tư cho con người, công nghệ và mô hình vận hành bền vững. Đây sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp không chỉ thích ứng mà còn bứt phá trong tương lai.
CÔNG TY CỔ PHẦN KHOA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG GIANT BARB
📞 Hotline: +84 915 452 358
✉️ Email: info@giantbarb.com
🏢 Địa chỉ: số 245 Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội