Tiếng Việt

Giant Barb

Blogs

Thị trường tín chỉ carbon: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam trên hành trình xanh

02, 08, 2024

Phát triển thị trường tín chỉ carbon không chỉ là xu thế xanh mà còn là cơ hội để các nước hướng tới “Net Zero” và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Tín chỉ carbon là một đơn vị đo lường sử dụng để xác định khí thải carbon dioxide (CO2) và các khí thải khác gây hiệu ứng nhà kính mà một cá nhân, tổ chức, hoặc một quốc gia tạo ra. Tín chỉ carbon được coi là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác.

Mỗi tín chỉ carbon ~ đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đươzng với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển.

Sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam:

  • Cơ hội nâng cao uy tín và đạt được các mục tiêu về môi trường: Thị trường tín chỉ carbon không chỉ là động lực mà còn là nguồn vốn dồi dào, thúc đẩy mạnh mẽ các quốc gia và doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp nâng cao hình ảnh quốc tế mà còn là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

  • Cơ hội tài chính từ việc bán tín chỉ carbon: Các quốc gia và doanh nghiệp có hiệu quả cao trong việc giảm phát thải có thể tận dụng cơ hội kinh doanh từ việc bán tín chỉ carbon dư thừa. Với triển vọng giá tín chỉ carbon tiếp tục tăng, Việt Nam hoàn toàn có thể thu về nguồn thu đáng kể từ thị trường này.    

  • Cơ hội phát triển khoa học kỹ thuật: Thị trường tín chỉ carbon là động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi công nghệ xanh. Không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường, việc ứng dụng các công nghệ mới còn giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp và quốc gia.

  • Cơ hội thu hút nguồn tài chính xanh: Thành công trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh từ tín chỉ carbon mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh dồi dào. Vốn xanh là công cụ tài chính quan trọng để thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh cơ hội, tín chỉ carbon cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam nếu chúng ta không có sự chuẩn bị:

  • Khung pháp lý cho thị trường carbon Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện: Đề án phát triển thị trường carbon đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng phê duyệt. Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực ban hành đề án phát triển thị trường carbon, đặt mục tiêu thí điểm vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028, nhưng việc xây dựng một hệ thống quy định chi tiết, minh bạch và hiệu quả vẫn là một thách thức lớn. Sự thiếu hụt này đang cản trở quá trình triển khai thị trường carbon, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và tổ chức tham gia.

  • Thách thức về việc xác định, đo lường hiệu quả môi trường của các dự án: Năng lực tư vấn, kiểm định và đăng ký tín chỉ carbon tại Việt Nam còn hạn chế, chất lượng dữ liệu chưa đảm bảo, và khoảng cách kiến thức giữa các bên liên quan vẫn còn lớn. Những điều này đặt ra những khó khăn cho việc triển khai tín chỉ carbon tại Việt Nam.

  • Thách thức về hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền carbon/chuyển nhượng kết quả giảm phát thải: Theo các chuyên gia, các vấn đề cần xem xét trong quá trình này gồm năm điểm. Một là, xác định hướng đi xây dựng một quy định và hướng dẫn chung quốc gia, cho mọi chương trình bao gồm cả Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải (ERPA), hay xây dựng hướng dẫn cho từng chương trình riêng lẻ. Hai là, xác định người sở hữu quyền carbon và có trách nhiệm phân bổ quyền cho các bên có liên quan. Ba là, chuyển quyền carbon và đóng góp vào NDC. Theo đó, cần cân nhắc việc chuyển quyền carbon sẽ có ảnh hưởng thế nào tới việc thực hiện cam kết NDC, từ đó xác định mục tiêu ưu tiên và lượng tín chỉ có thể thương mại để không ảnh hưởng đến cam kết. Bốn là, xây dựng năng lực cho hệ thống đăng ký và chuyển quyền carbon. Và điểm cuối cùng là trách nhiệm, hay mức phạt khi không thực hiện đúng các cam kết. 

  • Thách thức về việc cải thiện chất lượng môi trường: Để đạt được những lợi ích từ thị trường tín chỉ carbon, các công ty và quốc gia cần đạt được các hiệu quả về mặt môi trường. Theo báo cáo của Edgar (2022), Việt Nam xếp thứ 18 về số lượng phát thải khí nhà kính. Một phần nguyên nhân là do các kỹ thuật mà Việt Nam sử dụng còn tương đối lạc hậu, gây ra sự thiếu hiệu quả về năng lượng tiêu thụ cũng như tăng mức độ phát thải cần thiết. Điều này đặt ra thách thức tương đối lớn về mặt thời gian, chi phí, và công nghệ để các công ty tại Việt Nam có thể đạt được hiệu quả môi trường tốt.

Thị trường tín chỉ carbon hứa hẹn mang đến cho Việt Nam những cơ hội mới trong việc theo đuổi mục tiêu trưởng bền vững, nhưng bên cạnh đó cũng là những thách thức không nhỏ. Để đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường, các giải pháp quan trọng cần được triển khai sẽ bao gồm việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường carbon, nâng cao nguồn tài trợ cho các dự án xanh, và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển liên quan tới lĩnh vực môi trường.
 

CÔNG TY CỔ PHẦN KHOA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG GIANT BARB
📞 Hotline: +84 995 206 666
✉️ Email: info@giantbarb.com
🏢 Địa chỉ: số 07 Tôn Thất Thuyết, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội