Lâm nghiệp là lĩnh vực được cấp chứng nhận tín chỉ carbon nhiều nhất với 10,3 triệu tín chỉ giao dịch thông qua World Bank, tiếp đến là điện gió và biogas.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại "giấy phép" cho phép một tổ chức hoặc cá nhân phát thải một lượng nhất định khí nhà kính, chủ yếu là CO2. Mỗi tín chỉ tương đương với quyền phát thải 1 tấn CO2.
Ngành bán tín chỉ carbon nhiều nhất?
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có 116 dự án đăng ký, chờ xác thực hoặc đạt chứng nhận tín chỉ carbon, theo thống kê dữ liệu từ hai tổ chức Gold Standard và Verra. Trong đó, 40 dự án đã được chứng nhận, với 10,7 triệu tín chỉ phát hành hàng năm.
Tính theo ngành, lâm nghiệp với duy nhất một dự án đang mang về tín chỉ carbon hàng năm nhiều nhất. Đây cũng là dự án quy mô lớn nhất Việt Nam - bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank). Với 5 USD một tấn, dự án này thu về 51,5 triệu USD, khoảng 1.200 tỷ đồng.
Lượng giảm phát thải trên được tính cho giai đoạn tháng 2/2018-12/2019, tức trung bình dự án này bán ra gần 5,4 triệu tín chỉ carbon theo năm.
Những ngành tiềm năng bán tín chỉ Carbon
Theo Ecosystem Marketplace (Mỹ) - nền tảng thông tin và nghiên cứu về các thị trường môi trường gồm tín chỉ carbon, dịch vụ hệ sinh thái và các cơ chế tài chính bền vững khác. Theo Ecosystem Marketplace, có khoảng 170 loại hình dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon, chia thành 8 nhóm chính:
-
Lâm nghiệp và Sử dụng đất: bao gồm các giải pháp dựa vào tự nhiên (trừ các giải pháp được thực hiện trên đất nông nghiệp và đồng cỏ). Các dự án lâm nghiệp tạo ra tín chỉ carbon thông qua việc giảm phát thải nhờ tránh nạn phá rừng và cải thiện quản lý rừng, hoặc thông qua việc loại bỏ khí CO2 từ không khí bằng cách chuyển hóa thành sinh khối khi thảm thực vật mới phát triển.
-
Năng lượng tái tạo: các dự án này giảm thiểu phát thải carbon bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo để thay thế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Các loại dự án phổ biến: sản xuất điện và nhiệt từ gió, năng lượng mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, khí sinh học từ quá trình phân hủy chất thải hữu cơ và sinh khối tái tạo.
-
Hiệu quả năng lượng/Chuyển đổi nhiên liệu: giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bằng cách tăng hiệu quả của các quy trình công nghiệp và các hệ thống sưởi, chiếu sáng dân dụng và thương. Chuyển đổi việc sản xuất điện và nhiệt từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng sinh khối hoặc các loại nhiên liệu ít carbon hơn như khí đốt.
-
Nông nghiệp: tập trung vào quản lý bền vững đất nông nghiệp và đồng cỏ, bao gồm cô lập carbon trong đất thông qua quản lý đất nông nghiệp hoặc đồng cỏ bền vững, quản lý khí metan từ chăn nuôi và trồng trọt.
-
Sản xuất hóa chất/quy trình công nghiệp: tập trung vào loại bỏ hoặc giảm lượng khí nhà kính được tạo ra hoặc sử dụng trong các quy trình công nghiệp.
-
Giao thông: nhóm dự án này giảm phát thải bằng cách tăng cường hiệu quả của hệ thống giao thông, bao gồm việc phát triển các hệ thống mới như giao thông công cộng và phương tiện điện.
-
Xử lý chất thải: giảm phát thải khí nhà kính bằng cách thu gom và loại bỏ khí metan từ quá trình phân hủy vật liệu hữu cơ (trừ trường hợp khí metan được sử dụng để tạo nhiệt hoặc điện), tái chế vật liệu cũ để tránh phát thải từ việc sản xuất mới và ủ phân hữu cơ để ngăn chặn sự hình thành khí metan.
-
Thiết bị hộ gia đình/cộng đồng: tập trung vào việc giảm phát thải carbon ở cấp độ hộ gia đình hoặc cộng đồng: bếp nấu tiết kiệm năng lượng và thiết bị lọc nước, các dự án cải thiện hiệu quả năng lượng cộng đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng khí sinh học để cung cấp nguồn nhiệt và nấu ăn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho các cộng đồng nông thôn.
Nguồn: VnExpress
8 nhóm ngành có thể tạo ra tín chỉ carbon với sản lượng lớn nhất hiện nay là lâm nghiệp và năng lượng tái tạo.
Giá tín chỉ Carbon theo từng ngành
Nguồn: VnExpress
Lâm nghiệp - sử dụng đất là ngành có nhiều tín chỉ carbon giao dịch nhất và có giá nhất, trung bình giao dịch ở mức 9,72 USD mỗi tín chỉ vào năm 2023. Giá tín chỉ của ngành này đã tăng đều đặn suốt 4 năm qua, từ mức 5,46 USD mỗi tín chỉ vào năm 2020.
Nổi bật là các dự án năng lượng tái tạo cung cấp lượng tín chỉ carbon nhiều thứ hai thị trường nhưng giá luôn thuộc hàng thấp nhất, đạt trung bình 3,88 USD vào 2023, cải thiện nhẹ so với hồi 2020 (1,08 USD/tín chỉ).
Sự chênh lệch của giá tín chỉ Carbon giữa các ngành
-
Các dự án tín chỉ carbon đều mang lại tác động tích cực đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, mỗi loại hình dự án khác nhau sẽ mang đến những lợi ích khác nhau. Các nhà đầu tư ưa chuộng tín chỉ vừa giải quyết được vấn đề phát thải, và vừa tạo ra lợi ích trực tiếp cho xã hội.
-
Chi phí triển khai khác nhau giữa các dự án sẽ dẫn đến giá chênh lệch đáng kể.
Doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao hơn để hỗ trợ các dự án tín chỉ carbon lâm nghiệp vì các tác động lớn đến bảo tồn tự nhiên và đời sống cộng đồng. Về mặt truyền thông, các dự án lâm nghiệp cũng dễ truyền tải và minh chứng bằng hình ảnh và các báo cáo tác động cụ thể, giúp nâng cao danh tiếng. Vì vậy, giá tín chỉ carbon ngành Lâm nghiệp luôn có mức giá cao ổn định nhất.
Việt Nam đang khẳng định vị thế của mình trên thị trường tín chỉ carbon toàn cầu khi ngành lâm nghiệp đóng vai trò tiên phong trong việc tạo ra các tín chỉ carbon, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa mang lại lợi ích kinh tế.
Liên hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN KHOA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG GIANT BARB
📞 Hotline: +84 995 206 666
✉️ Email: info@giantbarb.com
🏢 Địa chỉ: số 07 Tôn Thất Thuyết, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội