Tiếng Việt

Giant Barb

Blogs

Điện gió - Ngành công nghiệp tỷ USD làm giảm phát thải

09, 08, 2024

Điện gió được coi là vũ khí hàng đầu của Việt Nam để tiến tới Net Zero vào năm 2050 khi vừa có hiệu quả giảm phát thải lớn và vừa thúc đẩy được phát triển về kinh tế, xã hội. Cùng Giant Barb tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng, những lợi ích cũng như các thách thức mà ngành này đang phải đối mặt dưới đây !

Bối cảnh 

Tại COP 26 diễn ra tại Scotland năm 2021, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2040. Nhiệm vụ thực hiện hoá các cam kết mạnh mẽ này là đặc biệt khó khăn khi lượng phát thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng gấp 3.5 lần nếu Việt Nam không triển khai các chính sách giảm phát thải và các công nghệ phát thải carbon thấp. 

 

                                                            Nguồn: McKinsey

Theo ước tính, lượng phát thải của Việt Nam đến từ nhiều khu vực trong nền kinh tế, nguồn phát thải lớn nhất là Điện và Công nghiệp với 30% cho mỗi ngành. Vậy để đạt được mục tiêu Net Zero thì việc Chính Phủ Việt Nam tập trung giảm lượng phát thải ngành Điện bằng việc chuyển đổi phương thức sản xuất sang các nguồn điện tái tạo, thân thiện với môi trường như điện mặt trời và điện gió là xu hướng tất yếu. Bài viết này sẽ tập trung đưa ra những phân tích về năng lượng điện gió tại Việt Nam.

Cách điện được tạo ra từ gió

Sự hình thành của gió xuất phát chủ yếu từ sự chênh lệch áp suất trong khí quyển, phụ thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ và áp suất, sự di chuyển của không khí, địa hình,… Từ đó, điện được tạo ra bằng cách tận dụng lực được tạo ra từ gió làm cho các cánh quay và tuabin gió quay, cơ năng có được từ tuabin sẽ được chuyển hoá thành dưới dạng năng lượng điện. 

Từ quy trình gió tạo ra điện trên, có hai đặc điểm của điện gió mà ta cần biết: 

  • Thứ nhất, không giống như các phương pháp tạo điện truyền thống như nhiệt điện, năng lượng điện gió là nguồn năng lượng không ổn định và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên; 

  • Thứ hai, những nơi phát triển được điện gió là những nơi cần phải có nguồn gió dồi dào. 

Tiềm năng phát triển điện gió tại Việt Nam 

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn với hơn 3.200 km đường biển, diện tích khu vực đặc quyền kinh tế trên biển lên tới 1.395.000 Km2 - gấp khoảng hơn 3 lần diện tích đất liền. Biểu đồ dưới đây thể hiện tiềm năng điện gió của Việt Nam cả trong đất liền và ngoài khơi. 

  

                                          Nguồn: McKinsey

Theo ước tính, tiềm năng công suất điện gió lý thuyết của Việt Nam là khoảng 650GW. Để so sánh một cách tương đối, tổng công suất điện của Việt Nam vào tháng 1/2024 là khoảng 80.555 MW. Trên thực tế, theo VietData, tổng công suất điện gió Việt Nam mới chỉ đạt 4.948 MW, do đó Việt Nam còn rất nhiều dư địa cũng như tiềm năng để phát triển các nguồn điện gió của mình. 

Kế hoạch tương lai của Chính Phủ về điện gió 

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Chính phủ đã đề ra một kế hoạch phát triển mạnh mẽ để khai thác điện gió. Trong đó, khẳng định mong muốn khai thai tối đa và không giới hạn tiềm năng điện gió phục vụ cho nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. 

 

                                                                                  Nguồn: Vietdata, Quy hoạch điện VIII

Tổng công suất điện từ điện gió được kế hoạch sẽ chiếm 18,5% tổng công suất điện toàn Việt Nam vào năm 2030, số liệu này cho năm 2050 với kịch bản thuận lợi nhất là 29,4% và với kịch bản kém nhất là 26.5%. 

Mục tiêu phát triển điện gió theo Quy hoạch điện VIII của Việt Nam là rất tham vọng, đơn cử như với mục tiêu về công suất điện gió ngoài khơi thì với kịch bản kém nhất là 70 GW thì Việt Nam đã chiếm tới 5-7% tổng công suất điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới. Việc đặt ra mục tiêu phát triển tham vọng cho điện gió thể hiện những nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như khẳng định tiềm năng về xã hội, kinh tế của điện gió. Tuy nhiên, quá trình biến mục tiêu trở thành hiện thực là một quá trình rất khó khăn với nhiều thách thức, Thực tế trong quy hoạch điện VII được ban hành vào năm 2010, Việt Nam đã đặt mục tiêu có 1,000 MW công suất điện gió vào năm 2020 nhưng đã phải giảm xuống còn 800 MW vào năm 2016.

Cơ hội từ việc khai thác điện gió 

Điện gió không chỉ là một công cụ để Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero hay bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội phát triển một ngành công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao khi mang lại giá trị kinh tế trong nước cũng như giá trị xuất khẩu. 

World Bank vào tháng 6/2021 đã công bố bản kế hoạch phát triển chi tiết cho điện gió ngoài khơi của Việt Nam với kịch bản phát triển cao đạt tổng công suất 70.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2050 - bằng mức mục tiêu thấp nhất cho phát triển điện ngoài khơi theo Quy hoạch Điện VIII, dự báo những lợi ích kinh tế to lớn của điện gió ngoài khơi mang lại cho nền kinh tế Việt Nam:

  • Việc làm: đến năm 2035, điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra khoảng 700,000 năm việc làm toàn thời gian (FTE), trong đó 40% sẽ đến từ xuất khẩu các linh kiện liên quan được sản xuất bởi các công nhân Việt Nam. 

  • Giá trị gia tăng gộp (GVA): điện gió ngoài khơi đến năm 2035 sẽ tạo ra tổng 50 tỷ USD giá trị gia tăng gộp cho nền kinh tế, và cũng như khu vực việc làm, 40%  giá trị gia tăng sẽ đến từ xuất khẩu.

  • Nguồn vốn đầu tư cho chuỗi cung ứng: Sẽ có nhiều nguồn vốn lớn được đổ vào cánh quạt, tháp, móng, cáp ngầm và có thể là cả tàu lắp đặt tuabin và móng. Tổng giá trị đầu tư có thể lên đến 500 triệu USD, hầu hết sẽ ở giai đoạn trước 2030.

 

                                                                                                                       Nguồn: Worldbank

Những dự báo về lợi ích mà chỉ riêng điện gió ngoài khơi đem lại cho nền kinh tế trên đã  khắc họa một bức tranh về ảnh hưởng tích cực mà điện gió có thể đem lại cho Việt Nam. Nếu được thực hiện theo kế hoạch, đây sẽ là một ngành công nghiệp tỷ đô giúp thúc đẩy nhiều mặt của đời sống người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển, những thách thức chính sẽ được đề cập trong phần tiếp theo. 

Thách thức 

Chưa có các cơ chế mua bán điện gió rõ ràng

Hiện các dự án, doanh nghiệp thực hiện điện gió có thể được chia làm hai loại dựa trên cơ chế bán điện. 

  • Nhóm một - những dự án thuộc cơ chế FIT:

Nhóm đầu tiên là nhóm vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được hưởng cơ chế ưu đãi giá FIT. Cơ chế FIT quy định các dự án điện gió được đưa vào vận hành một phần hành hoặc toàn bộ trước ngày 1/11/2021 sẽ được nhà nước thu mua điện với mức giá ưu đãi là 8,5 Uscent/ kWh cho điện gió trên bờ và 9,8 Uscent/kWh cho điện gió trên biển theo hợp đồng kéo dài 20 năm. Vì bản chất đây là cơ chế giá nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện gió nên rất có lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án điện gió, số lượng dự án điện gió vì thế mà cũng tăng vọt lên đạt công suất 4.126 MW mặc dù trước đó mục tiêu của chính phủ chỉ là 800 MW vào năm 2020. 

  • Nhóm hai - những dự án không thuộc cơ chế FIT:

Nhóm thứ hai là nhóm doanh nghiệp không được hưởng cơ chế giá FIT, tính đến tháng 5/2024, có 77 nhà máy điện gió thuộc nhóm này và đa phần trong số đó là vì các lý do khách quan như dịch COVID mà đi vào vận hành muộn so với thời điểm 1/11/2021. Các dự án thuộc nhóm này đang trong tình cảnh như “trên đống lửa” khi đã đầu tư dự án nhưng chưa bán được điện hoặc bán với giá thấp. Cụ thể, có 65 dự án đã gửi hồ sơ cho công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, trong đó có 56 dự án được Bộ Công Thương duyệt giá tạm và ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) với giá bằng 50% giá trần khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương. Mức giá bằng 50% khung giá theo quyết định 21/QĐ - BCT sẽ tương đương khoảng 793,56 đồng/kWh cho nhà máy điện gió trong đất liền và 907.975 đồng/kWh cho nhà máy điện gió trên biển, lần lượt chỉ bằng khoảng 41,1% và 40,8% so với giá theo cơ chế FIT và chỉ là giải pháp tình thế để doanh nghiệp bù đắp một phần chi phí trong thời gian chờ đợi các cơ chế mua bán thực sự được ban hành. Dù mới đây, Chính phủ đã ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA theo nghị định 80/2024/NĐ-CP, cho phép các bên có mức tiêu thụ hàng tháng trên 200.000 kWh được mua điện tái tạo trực tiếp, việc tạo ra các cơ chế mua bán điện cho phép điện tái tạo trở nên phổ biến vẫn còn cả một chặng đường dài.

Hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng được sự phát triển của điện gió 

Nguồn điện gió là nguồn điện có tính không ổn định, khác với các nguồn điện truyền thống, do đó việc hòa một lượng lớn điện gió vào hệ thống truyền tải điện sẽ gây quá tải hệ thống truyền tải từ lâu đã không được đầu tư năng cấp của Việt Nam. Minh chứng cho điều này là sự tăng trưởng nhanh chóng của các dự án điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn từ năm 2020 đã vượt quá khả năng truyền tải của hệ thống vào năm 2022, đặc biệt là ở những tỉnh tập trung nhiều các dự án này. Hệ thống truyền tải thường xuyên phải làm việc ở công suất tối ta và rất nhiều dự án đã phải chịu những sự gián đoạn, vì thế mà Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vào đầu năm 2022 đã phải tuyên bố ngừng bổ sung các nhà máy điện mặt trời và điện gió trong cả năm 2022. 

Thách thức về cơ chế mua bán điện và hệ thống truyền tải là những vấn đề lớn nhất mà Chính Phủ cần giải quyết để khai phóng tiềm năng của điện gió. Ngoài ra, một số thách thức khác là sự ảnh hưởng của quá trình xây lắp, vận hành ảnh có thể ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân xung quanh hay những thách thức về công nghệ, đều là những vấn đề cần được lưu tâm.

Kết luận 

Việt Nam là đất nước có nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển điện gió. Thực hiện thành công mục tiêu phát triển điện gió theo Quy hoạch điện VIII sẽ mang lại những hưởng tích cực sâu rộng đến kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam sẽ có thêm một mũi nhọn phát triển kinh tế là điện gió, tình trạng thiếu hụt điện để phát triển sẽ được giải quyết và quan trọng hơn hết lượng phát thải khổng lồ từ các phương thức điện truyền thống, góp phần quan trọng để Việt Nam tiến đến Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, Việt Nam cần tập trung nguồn lực, nâng cấp hệ thống truyền tải phù hợp với tầm nhìn, xây dựng khung pháp lý chắc chắn và hỗ trợ, phối hợp cùng các bên liên quan nhằm tạo điều kiện cũng như điều hướng sự phát triển của điện gió để Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng và cơ hội mà điện gió mang lại. 

CÔNG TY CỔ PHẦN KHOA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG GIANT BARB
📞 Hotline: +84 995 206 666
✉️ Email: info@giantbarb.com
🏢 Địa chỉ: số 07 Tôn Thất Thuyết, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội