Tiếng Việt

Giant Barb

Blogs

Xếp hạng ESG - Thước đo cho sự phát triển bền vững

14, 06, 2024

Trong bối cảnh kinh doanh năng động ngày nay, các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đã vượt ra khỏi khuôn khổ trách nhiệm doanh nghiệp đơn thuần để trở thành những trụ cột thiết yếu cho sự phát triển bền vững và tạo ra giá trị lâu dài. Điểm ESG đóng vai trò như một công cụ mạnh mẽ để đánh giá cam kết của doanh nghiệp đối với những nguyên tắc này, cung cấp thông tin chi tiết có giá trị cho nhà đầu tư, các bên liên quan và cộng đồng rộng lớn.

Xếp hạng ESG?

Xếp hạng ESG (ESG Rating) là một công cụ đánh giá cho phép đo lường mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp dựa trên 3 tiêu chí ESG: Môi trường (Environmental), Xã hội (Social) và Quản trị công ty (Governance). 

  • Môi trường: Bao gồm các yếu tố như lượng khí thải carbon, sử dụng nước và các hoạt động quản lý chất thải của công ty.
  • Xã hội: Bao gồm các yếu tố như thực tiễn lao động, thành tích về nhân quyền và mức độ tham gia cộng đồng của công ty.
  • Quản trị: Bao gồm các yếu tố như cơ cấu tổ chức, đãi ngộ của ban giám đốc và sự đa dạng của hội đồng quản trị.

Mỗi tiêu chí có một hệ thống đánh giá và cho điểm riêng, cộng tổng lại thành “Điểm ESG” (ESG Score). Điểm ESG là thước đo minh bạch cho thấy mức độ cam kết của tổ chức đối với hoạt động phát triển bền vững cũng như khả năng tạo ra những giá trị bền vững dài hạn.

Tầm quan trọng của xếp hạng ESG

Tuân thủ các tiêu chuẩn đặt ra bởi Chính phủ và cơ quan quản lý: Xếp hạng ESG không chỉ là thước đo đơn thuần, mà còn đóng vai trò công cụ mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách và quy định mới. Điển hình là sáng kiến "Bản đồ đường bền vững cho tài chính" (EU Sustainable Finance Action Plan) của Liên minh Châu  Âu, yêu cầu các công ty niêm yết công khai thông tin ESG theo khuôn khổ tiêu chuẩn hóa. Nhờ vậy, mức độ minh bạch được nâng cao, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên các tiêu chí bền vững.

Thu hút nguồn vốn xanh: Xếp hạng ESG cao thể hiện một doanh nghiệp minh bạch, ít rủi ro và có độ uy tín cao. Vì vậy, điểm ESG giúp doanh nghiệp nhận được những cơ hội đầu tư từ việc làm tốt hoạt động quản trị vận hành cao, tạo ra lợi nhuận bền vững và dài hạn.

Nâng cao hình ảnh thương hiệu: Người tiêu dùng ngày càng ý thức về vấn đề bền vững và ưu tiên mua sắm từ các thương hiệu có trách nhiệm xã hội và môi trường. Doanh nghiệp có điểm ESG cao sẽ tạo thiện cảm, xây dựng lòng tin và sự trung thành với người tiêu dùng, thu hút nhiều khách hàng. Theo nghiên cứu từ McKinsey (tháng 02/2023), hơn 60% người tiêu dùng sẵn lòng trả thêm tiền cho một sản phẩm có bao bì “thân thiện với môi trường”.

Thu hút nguồn nhân sự tài năng: Doanh nghiệp có điểm ESG cao dễ dàng thu hút các nhân sự tiềm năng. Điều này là do điểm ESG phản ánh chất lượng môi trường làm việc, chính sách của doanh nghiệp. Nhân sự sẽ sẵn sàng cống hiến và gắn bó lâu dài với công ty. 

Phương pháp tính điểm ESG 

Phương pháp định tính: các tổ chức xếp hạng ESG thu thập dữ liệu qua khảo sát, kết hợp với các nguồn dữ liệu khác (chính phủ, báo chí,..) để tổng hợp, phân tích, tính toán và đưa ra kết quả chính xác nhất. Điểm mạnh của phương pháp này là tính khách quan, chỉ dựa trên danh sách chỉ số phát triển bền vững và không bị ảnh hưởng bởi các quan điểm cá nhân.

Phương pháp định lượng: các tổ chức xếp hạng ESG thu thập dữ liệu qua báo cáo ESG, báo cáo tài chính từ các doanh nghiệp. Điểm mạnh của phương pháp này là tiết kiệm thời gian nhưng chỉ sử dụng dữ liệu từ doanh nghiệp có thể giảm kết quả khách quan. 

Một số tổ chức xếp hạng ESG

1. Sustainalytics

Xếp hạng thứ 2 về đánh giá bền vững cho các tổ chức tài chính. Thuộc sở hữu của Morningstar, nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu. Sustainalytics đánh giá hàng nghìn công ty trên toàn thế giới, trải rộng trên nhiều ngành công nghiệp, cung cấp những hiểu biết sâu sắc về hiệu quả hoạt động bền vững của các công ty và rủi ro liên quan đến các yếu tố ESG.

Điểm mạnh

  • Được các nhà đầu tư lớn tin dùng với tổng tài sản quản lý hơn 47 tỷ USD.
  • Phạm vi phủ rộng và tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều đối tượng.
  • Xếp hạng chi tiết theo từng ngành, đánh giá cả rủi ro tiềm ẩn.
  • Nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế dẫn đầu.

Điểm yếu

  • Phương pháp tập trung vào quản lý rủi ro, chưa đánh giá đầy đủ tác động tổng thể ESG.
  • Hệ thống xếp hạng và phương pháp luận phức tạp, gây khó khăn cho người dùng.
  • Dữ liệu dựa trên báo cáo tự nguyện, tiềm ẩn sai sót và thiếu cập nhật.
  • Phạm vi rộng khiến các công ty nhỏ, tiềm năng ít được chú ý.

2. MSCI

Là xếp hạng được sử dụng nhiều nhất dành cho các Tổ chức quản lý tài sản. Đánh giá xếp hạng hơn 13.000 công ty (bao gồm các công ty con) và hơn 650.000 chứng khoán vốn và chứng khoán thu nhập cố định trên toàn cầu. MSCI được 46/50 tổ chức quản lý tài sản hàng đầu sử dụng.

Điểm mạnh

  • Được sử dụng bởi nhiều tổ chức quản lý tài sản lớn (BlackRock, Credit Suisse...), với tổng tài sản quản lý hơn 69 tỷ USD.
  • Phạm vi bao phủ rộng khắp, áp dụng thuật toán AI hỗ trợ phân tích dữ liệu chuyên sâu.
  • Cung cấp điểm chuẩn riêng cho từng ngành, tạo điều kiện so sánh hiệu quả.
  • Tập trung vào tính trọng yếu về mặt tài chính, phù hợp với nhà đầu tư.

Điểm yếu

  • Tương tự Sustainalytics, phương pháp tập trung quản lý rủi ro, chưa đánh giá đầy đủ tác động tổng thể ESG.
  • Hệ thống phức tạp hạn chế tính minh bạch cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
  • Dữ liệu dựa trên báo cáo tự nguyện, tiềm ẩn sai sót và thiếu cập nhật.
  • Không có sự phân biệt đánh giá giữa các ngành công nghiệp.

3. CDP

Là xếp hạng phổ biến để đánh giá các tiêu chí môi trường, được 590  nhà đầu tư sử dụng. Hơn 110 nghìn tỷ đô la Mỹ tài sản được đánh giá hàng năm và hơn 200 doanh nghiệp, với mức chi tiêu mua sắm hơn 5,5 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm, đã yêu cầu các đối tác của họ công bố dữ liệu môi trường tuân thủ theo xếp hạng CDP.

Điểm mạnh

  • Được nhiều tổ chức, quốc gia công nhận và sở hữu lượng dữ liệu doanh nghiệp lớn nhất.
  • Dễ sử dụng, lâu đời và ứng dụng đa dạng, được đánh giá cao bởi nhà đầu tư và chuyên gia.

Điểm yếu

  • Tập trung chủ yếu vào các yếu tố môi trường (biến đổi khí hậu, nước, tài nguyên rừng).
  • Dữ liệu dựa trên báo cáo tự nguyện, tiềm ẩn sai sót và thiếu cập nhật.

4. S&P Global

Xếp hạng bền vững toàn cầu đầu tiên kể từ năm 1999. S&P Global, thông qua bộ phận chỉ số của mình, cung cấp nhiều chỉ số tập trung vào ESG, bao gồm cả Chỉ số S&P 500 ESG. Đây là nguồn tập trung các giải pháp của S&P Global, kết hợp với dữ liệu môi trường của Trucost nhằm cung cấp những hiểu biết và công cụ toàn diện để đánh giá các rủi ro và cơ hội từ ESG cho doanh nghiệp. 

Điểm mạnh

  • Chất lượng cao, được giới chuyên môn đánh giá cao.
  • Tích hợp dữ liệu và phân tích mở rộng từ hệ sinh thái S&P Global, đảm bảo độ chính xác.
  • Cung cấp nhiều giải pháp ESG đa dạng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Điểm yếu

  • Quyền truy cập dữ liệu hạn chế, chi phí cao.
  • Hệ thống phức tạp, đa dạng nguồn dữ liệu gây khó khăn cho người dùng.
  • Giới hạn ở bảng câu hỏi tự báo cáo, tập trung vào công ty đại chúng.
  • Xếp hạng phụ thuộc vào chất lượng thông tin tiết lộ, có thể khác biệt giữa các công ty.

5. Refinitiv

Xếp hạng có cơ sở dữ liệu ESG toàn diện nhất trong ngành công nghiệp. Refinitiv có lịch sử từ năm 2002, hiện nay chiếm hơn 70% vốn hóa thị trường toàn cầu. Xếp hạng thu thập và phân tích dữ liệu từ hơn 9.000 công ty trên toàn cầu, bao gồm hơn 450 số liệu ESG khác nhau. Dữ liệu này bao gồm thông tin về lượng khí thải carbon, việc sử dụng nước, sự đổi mới, sự đa dạng của lực lượng lao động, cung cấp thông tin chuyên sâu về các hoạt động bền vững của các công ty.

Điểm mạnh

  • Cơ sở dữ liệu ESG toàn diện nhất ngành, bao phủ hơn 70% vốn hóa thị trường toàn cầu.
  • Phân tích chi tiết hơn 9.000 công ty trên toàn cầu với hơn 450 chỉ số ESG.
  • Cung cấp góc nhìn toàn diện về hoạt động bền vững của doanh nghiệp.
  • Phương pháp luận minh bạch, nâng cao độ tin cậy cho nhà đầu tư.

Điểm yếu

  • Lượng dữ liệu khổng lồ gây khó khăn cho người dùng không chuyên.
  • Tiềm ẩn độ trễ trong quá trình tổng hợp dữ liệu.
  • Chú trọng dữ liệu định lượng, chưa đánh giá đầy đủ yếu tố định tính.
  • Số liệu thay đổi theo thời gian do điều chỉnh, gây khó khăn so sánh.

Xếp hạng ESG không chỉ là thước đo cho sự phát triển bền vững hiện tại mà còn là nền tảng để doanh nghiệp hướng đến tương lai thịnh vượng và góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, trách nhiệm.

Hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu!

 

CÔNG TY CỔ PHẦN KHOA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG GIANT BARB
📞 Hotline: +84 995 206 666
✉️ Email: info@giantbarb.com
🏢 Địa chỉ: số 07 Tôn Thất Thuyết, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
 

 

Tags: ESG