Bài viết tóm tắt về thị trường carbon, bao gồm tín chỉ carbon, lịch sử và các dự án giảm phát khí nhà kính. Nó giải thích về thị trường carbon tuân thủ và tự nguyện cùng với việc triển khai hiện tại trên toàn cầu. Việt Nam đang đối mặt với thách thức khi thiếu thị trường carbon trong nước, cần tăng cường cạnh tranh và phát triển bền vững. Lợi ích của các công cụ định giá carbon đối với chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng được nhấn mạnh. Tổng thể, phát triển thị trường carbon trong nước là vô cùng quan trọng cho Việt Nam.
I. Bối cảnh và hiện trạng triển khai cơ chế trên thế giới
Tín chỉ carbon là gì?
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e). Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.
Lịch sử phát triển thị trường carbon:
Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Các dự án giảm carbon thường được chia thành hai loại: dựa trên tự nhiên (nature-based) và dựa trên công nghệ (technology-based). Các dự án dựa trên thiên nhiên thường bao gồm các dự án trồng rừng, phục hồi đất ngập nước và nông nghiệp bền vững, các dự án hấp thụ carbon một cách tự nhiên trong môi trường. Các dự án dựa trên công nghệ thường liên quan đến đầu tư vào các công nghệ mới giúp tăng hiệu quả hoặc giảm lượng khí thải như các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, xử lý chất thải ...
Thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện:
Sau Nghị định thư Kyoto và các quy định pháp luật của các quốc gia đã phát triển (như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc…) , thị trường carbon đã phát triển rất mạnh mẽ, có hai loại thị trường chính là:
Thị trường carbon bắt buộc/Thị trường bắt buộc (mandatory carbon market):
Thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), hoặc đồng thực hiện (JI). Hiện nay lớn nhất là thị trường Carbon châu Âu (EU ETS) và thị trường carbon Hoa Kỳ (American Carbon Registry), Trung Quốc hiện nay cũng đã có thị trường carbon độc lập và sự phát triển rất mạnh mẽ.
Thị trường carbon tự nguyện/Thị trường tự nguyện (voluntary carbon market):
Dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon. Hiện nay có 02 thị trường carbon tự nguyện lớn nhất là Gold Standard (GS) và Verified Carbon Standard (VCS).
Một bước ngoặt trong quá trình đàm phán các chính sách khí hậu quốc tế chính là sự ra đời Thỏa thuận Paris (Paris Agreement – PA) tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu lần 21 (COP21) năm 2015 và được coi như một thỏa thuận tiếp nối Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, khác với Nghị định thư Kyoto, nghĩa vụ giảm phát thải KNK không còn là mục tiêu ràng buộc riêng các quốc gia phát triển. Trong khuôn khổ PA, mục tiêu “Giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở ngưỡng dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đạt mục tiêu tăng không quá 1,5°C” không chỉ ràng buộc các quốc gia thuộc Phụ lục I phải giảm phát thải KNK mà lần đầu tiên, các quốc gia không thuộc Phụ lục I cũng có nghĩa vụ đưa ra các mục tiêu giảm phát thải thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) và thực hiện các cam kết giảm phát thải được nêu trong NDC. Cùng với sự ra đời của PA, các cơ chế mang tính thị trường mới đã được thiết lập tại Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận này. Trong đó,
· Điều 6.2 cho phép các Bên thực hiện cách tiếp cận hợp tác để trao đổi các kết quả giảm nhẹ quốc tế (ITMO) nhằm đạt được mục tiêu NDC trên cơ sở tự nguyện.
· Điều 6.4 đưa ra một cơ chế mới - Cơ chế phát triển bền vững (Sustainable Development Mechanism – SDM) nhằm đóng góp giảm phát thải KNK và hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tự nguyện. Hiện các quy định liên quan đến các cơ chế Điều 6 đang được hoàn thiện thông qua quá trình đàm phán trong các Hội nghị các Bên tham gia PA.
Tại COP26 (2021), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Những cam kết này phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, và là động lực thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang hướng hiện đại hóa.
Cùng với thời gian, ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do được ký kết (FTA) cùng với đó là các hàng rào thuế quan vào các thị trường lớn (Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn …) được xóa bỏ, thì các nhà lập pháp tại các quốc gia này sẽ ban hành các quy định nghiêm ngặt về dấu vết carbon (Carbon footprint) đối với các hàng hóa nhập khẩu. Điển hình nhất là Quy định Cơ chế điều chỉnh Carbon qua biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism – CBAM) do Liên Minh Châu Âu ban hành để ngăn chặn doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu. Về bản chất, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và Điện, và sẽ mở rộng đối tượng hàng hóa trong thời gian tới. Do đó việc Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt, ban hành các cơ chế thị trường carbon trong nước và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế là ngày càng cấp thiết.
Như vậy có thể nói, xu hướng phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việc xây dựng thị trường carbon trong nước, tiêu chuẩn thị trường đáp ứng và kết nối thị trường quốc tế là rất quan trọng và cấp thiết, cần phải nhìn nhận rủi ro và cơ hội trong phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
2. Định giá carbon, các công cụ định giá và lợi ích mang lại
Định giá carbon (carbon pricing) là cơ chế mà chi phí, thiệt hại do phát thải KNK (chẳng hạn như thiệt hại về mùa màng, chi phí chăm sóc sức khỏe do các hiện tượng khí hậu cực đoan…) sẽ được định giá và chuyển gánh nặng, thiệt hại do phát thải KNK trở lại cho những nguồn gây ra phát thải. Mức giá này thường là một mức giá trên một tấn carbon dioxide tương đương (CO2e). Các công cụ định giá carbon chính bao gồm:
Thuế carbon:
Chính phủ đặt ra một mức thuế suất cố định mà những cơ sở phát thải phải trả cho mỗi tấn phát thải KNK mà họ thải ra khí quyển. Tuy nhiên, khác với hệ thống giao dịch phát thải (Emission Trading System/Scheme - ETS), thuế carbon sẽ được chính phủ đưa ra với một mức giá cố định và lộ trình tăng thuế cũng như các quy tắc điều chỉnh thuế suất được xác định rõ ràng. Mặc dù vậy, kết quả giảm phát thải của công cụ này không được xác định trước do không đặt ra mức giới hạn phát thải cho các đơn vị chịu thuế.
Hệ thống giao dịch phát thải (ETS):
Là hệ thống được chính phủ thiết lập, qua đó đặt giới hạn phát thải cho các cơ sở phát thải được quản lý bởi ETS qua việc phân bổ hạn ngạch phát thải KNK. Các cơ sở phát thải được quản lý bởi ETS có quyền giao dịch các hạn ngạch phát thải này với nhau nhằm tối ưu hóa chi phí giảm phát thải. Ngoài ra, các cơ sở được quản lý bởi ETS cũng có thể thực hiện các biện pháp giảm phát thải nội bộ hoặc mua tín chỉ carbon được chính phủ công nhận để bù trừ cho lượng phát thải của mình. Trường hợp không tuân thủ, doanh nghiệp có thể bị phạt gấp nhiều lần giá hạn ngạch.
Cơ chế tín chỉ, bù trừ phát thải:
Là cơ chế mà lượng giảm phát thải KNK từ một hoạt động của một dự án được định giá theo các quy tắc, phương pháp luận chặt chẽ và được một quốc gia, tổ chức hoặc cơ sở phát thải dùng để bù trừ cho lượng phát thải KNK của mình. Đây là một cơ chế linh hoạt, cung cấp giải pháp cho một quốc gia, tổ chức hoặc cơ sở phát thải có thể giảm lượng phát thải của mình khi mà chi phí giảm phát thải nội bộ là không tối ưu.
Các công cụ định giá carbon còn đem lại lợi ích khác nhau với từng đối tượng trong xã hội.
Đối với chính phủ, định giá carbon là một trong những công cụ chính sách khí hậu, đem lại nguồn thu quan trọng từ thuế carbon hay đấu giá các hạn ngạch phát thải. Từ nguồn thu này, chính phủ có thể đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với các tác động của BĐKH hoặc hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp.
· Đối với doanh nghiệp, công cụ định giá carbon giúp họ nhận thức sớm các rủi ro về khí hậu và xác định chiến lược chuyển dịch hợp lý, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh và tạo cơ hội thu về nguồn doanh thu bổ sung, ví dụ: do các cam kết của chính phủ các nước khiến giá các dạng năng lượng hóa thạch trở nên khan hiếm cũng như giá của một hạn ngạch phát thải KNK hay tín chỉ carbon tăng trên thị trường, qua đó các doanh nghiệp có thể đưa ra các biện pháp chuyển dịch năng lượng cho quy trình sản xuất cũng như các chiến lược khí hậu phù hợp. Ngoài ra, nếu có một chiến lược giảm phát thải hợp lý, doanh nghiệp có khả năng tạo doanh thu từ việc giảm phát thải thông qua bán tín chỉ carbon hoặc hạn ngạch dư thừa.
· Đối với nhà đầu tư dài hạn, định giá carbon giúp phân tích tác động của chính sách BĐKH đối với các danh mục đầu tư cũng như phân bổ lại vốn cho các hoạt động phát thải thấp hoặc thích ứng với khí hậu. Thông qua định giá carbon, các nhà đầu tư có thể xác định chi phí cũng như lợi ích của các khoản đầu tư để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả.
3. Thách thức trong thị trường carbon
Hiện nay, Việt Nam chưa có một thị trường carbon trong nước để vận hành hỗ trợ các doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu có yêu cầu tiêu chuẩn về dấu vết carbon (Carbon footprint) dẫn đến một số doanh nghiệp có khả năng gặp các khó khăn trong tương lai trong cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các thị trường lớn và có yêu cầu cao (ví dụ: ngành dệt may trong năm 2023 gặp khó khăn và cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước các có chương trình carbon cho quốc gia như Bangladesh, Pakistan … sắp tới có thể là các ngành xuất khẩu liên quan đến CBAM).
Như đã nói ở trên, các thị trường lớn trên thế giới đã và sẽ tiếp tục bổ sung các quy định về carbon đối với các hàng hóa nhập khẩu vào thị trường họ, do đó sự không đồng nhất giữa các quy định, thị trường carbon của Việt Nam và thế giới sẽ khiến các doanh nghiệp tại Việt Nam giảm đi tính cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ cho các khách hàng lớn trên thế giới.
Đa số các dự án phát hành Tín chỉ Carbon trong nước hiện tại đều là các dự án tham gia thị trường tự nguyện, các chủ dự án đều có sự đóng góp cho phát triển bền vững nhưng do sự am hiểu thị trường còn hạn chế và chưa có cơ chế trong nước nên thường ủy quyền cho các công ty tư vấn quốc tế trong việc thực hiện giao dịch tín chỉ quốc tế, dẫn tới có thể chưa tối đa hóa được lợi ích cũng như có thể chịu những thiệt thòi lâu dài do các hoạt động đầu cơ, gom hàng của các tổ chức giao dịch tín chỉ carbon quốc tế lớn.